Khái quát về Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khám phá về Văn Miếu Quốc Tử Giám

 

    Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa của Việt Nam. Ngày nay, Quốc Tử Giám là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến Hà Nội. Không chỉ là nhân chứng lịch sử ngàn năm của thủ đô Quốc Tử Giám còn là ngôi trường “khai sinh” ra rất nhiều nhân tài tuấn kiệt cho đất nước. Theo chân khách du lịch đến thăm Hà Nội, VATC SleepPod  xin giới thiệu khái quát về văn miếu Quốc Tử Giám một cách đầy đủ nhất để các bạn tham khảo cũng như thuận tiện tham quan di tích nổi tiếng này ở Hà Nội nhé.

 

 

     Là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long. Nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có hai cổng Chính tiến vào lần lượt là Văn Miếu Môn và Đại Trung Môn. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đây từng là nơi các sĩ tử đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi bằng cách vuốt đầu rùa tại các bia tiến sĩ. Tuy nhiên ngày nay, để bảo tồn di tích, một hàng rào được thiết lập và các sĩ tử không còn làm nghi thức cầu may như trước nữa. Đây là địa danh xuất hiện trên tờ tiền polymer 100.000 VND của Việt Nam.

 

van-mieu-quoc-tu-giam-st

 

 

Lịch sử 

        Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Thánh Tông nhà Lý). Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, tr.234) chép: "Mùa thu tháng 8, dựng Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đây học." Như vậy, ngoài chức năng thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho, Văn Miếu còn mang chức năng của một trường học hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông), con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là quốc tử). Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép: "Bính Thìn, năm Anh Vũ Chiêu Thắng nguyên niên (thứ nhất), tháng 4...lập nhà Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó". Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Năm Nguyên Phong thứ ba (1253), vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Chức năng trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ. "Quý Sửu năm thứ ba (1253), tháng 6...lập Quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh, vẽ tượng 72 người hiền để thờ...Tháng 9, xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng học tứ thư, ngũ kinh...Lấy Phạm Ứng Thần giữ chức Thượng thư kiêm chức Đề điệu Quốc tử viện để trông nom công việc học tập tại Quốc Tử Giám." (ĐVSKTT)

Đến đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc tử giám Tư nghiệp (tương đương với chức Hiệu trưởng ngày nay), trực tiếp dạy dỗ các hoàng tử. Năm 1370, khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia được đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp. Lê Thánh Tông (1460-1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa thi.

Không phải khoa thi nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay, không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư hỏng, không mất mát. Từng thời có những đợt dựng, dựng lại lớn, như năm 1653 (niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất), và năm 1717 (niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ mười ba).

Cuối thời Lê, đời Cảnh Hưng, bia vẫn được khắc đều đặn. Dù không còn giữ được đủ bia, nhưng những công trình điêu khắc vẫn giữ được giá trị và tư liệu lịch sử quý báu.

Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám – cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.

Đến đời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu Hà Nội. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây thêm Khuê Văn các bên cạnh giếng vuông. Như vậy vào đầu thời Nguyễn, Văn Miếu Thăng Long đã một lần được sửa sang chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Còn Quốc Tử Giám thì đổi thành học đường của phủ Hoài Đức và sau đó tại khu vực này xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử.

Đầu năm 1947, thực dân Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay toàn bộ khu Thái học được xây dựng với diện tích 1530m² trên tổng diện tích 6150m² gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được mô phỏng theo kiến trúc truyền thống trên nền đất xưa của Quốc Tử Giám.

Lối kiến trúc độc đáo của Văn Miếu Quốc Tử Giám

     Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm du lịch đẹp ở Hà Nội, nằm phía Nam hoàng thành Thăng Long, trong một khu vực rộng 55.027m2, chia làm 5 khu vực riêng biệt theo từng khu. Tổng thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám từ cửa vào là cổng Văn Miếu, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành và nhà Thái Học.

 

 

kien-tuc-doc-dao-của-van-mieu-quoc-tu-giam

 

Khu vực thứ nhất từ cổng chính văn miếu đến cổng Đại Trung Môn. Hai bên trái phải của Đại Trung Môn có 2 cửa nhỏ, bên trái gọi là cửa Thành Đức (trở thành người có đức), bên phải gọi là cửa Đạt Tài (trở thành người có tài).

Cổng Đại Trung Môn được xây theo kiến trúc 3 gian trên nền gạch cao, mái lợp ngói, giữa có treo 1 tấm biển nhỏ đề 3 chữ Đại Trung Môn.

Khu vực thứ hai từ Đại Trung Môn đến Khuê Văn Các - một công trình kiến trúc biểu trưng cho văn chương và giáo dục Việt Nam. Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 với kiến trúc gỗ lấy hình ảnh là ngôi sao Khuê tỏa sáng.

Để lột tả rõ hình ảnh ngôi sao Khuê soi chiếu, 4 mặt Khuê Văn Các tạo hình 4 cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra tứ phía như mặt trời rực rỡ.

Khuê Văn Các và giếng Thiên Quan trong khuôn viên Quốc Tử Giám

Khu vực thứ ba gồm giếng nước hình vuông Thiên Quang rộng lớn tạo không gian thủy mộc hài hòa cho tổng thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám và 2 hàng bia tiến sĩ ghi danh các sĩ tử đỗ đạt.

Mỗi hàng có 41 bia, bia đá đặt trên một con rùa tượng trưng cho sự bất tử bất diệt. 82 tấm bia đá tượng trưng cho những con người từng đã từng đỗ đạt thành danh ở Quốc Tử Giám, là hiện vật có giá trị nhất tượng trưng cho nền hiếu học của người Việt Nam qua 82 khoa thi cử.

 

so-do-tham-quan-di-tich-van-mieu

 

 

Ý nghĩa của Khuê Văn Các và hồ Thiên Quang

     Theo quan niệm của người xưa, kiến trúc của Khuê Văn Các được xây dựng theo thuyết âm dương. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, thêm 1 nóc ở trên tức là 9, là số cửu trù. Theo Kinh dịch thì những con số 1, 3, 5, 7, 9 thuộc về dương, Khuê Văn Các có số 9, tức là số cực dương, tượng trưng cho mặt trời.

Giếng Thiên Quang hình vuông tượng trưng cho mặt đất, còn Khuê Văn Các tượng trưng cho mặt trời, ý nói Quốc Tử Giám là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất.

 

bia-tien-si-o-van-mieu

 

Bia tiến sĩ là nơi tôn vinh các học giả đỗ cao trong các kì thi của triều đình

Khu vực thứ tư là khu trung tâm, phía ngoài là Bái Đường, phía trong là Thượng Cung.

Khu vực thứ năm là Đền Khải Thánh thờ bố mẹ Khổng Tử và nhà Thái Học, nơi đào tạo các nhân tài cho triều đình.

Qua ngàn năm, dù đã bị thời gian bào mòn, một số kiến trúc đã bị phá hủy thế nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn được xem là biểu tượng của tinh hoa giáo dục, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

 

Thông tin cần thiết về thời gian mở của và tham quan

  • Vào mùa Hè, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa các ngày trong tuần từ 7h30 đến 17h30.
  •   Vào mùa Đông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa các ngày trong tuần từ 8h00 đến 17h30.
  • Quý khách vào tham quan vui lòng mua vé và xuất trình vé tại nơi soát vé
  • Quý khách vui lòng tuân thủ nội quy khi tham quan.
  • Kính chúc Quý khách có một chuyến tham quan bổ ích và lý thú!

 

Giá vé vào cửa:

  •    30,000đ đối với người lớn.
    •     15,000đ đối với học sinh, sinh viên (có thẻ học sinh hoặc thẻ sinh viên)
    •     15,000đ đối với người khuyết tật nặng, người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân)
    •     Miễn phí đối với trẻ em dưới 15 tuổi

      Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng vượt thời gian của thủ đô Hà Nội. Với giới thiệu khái quát về Văn miếu Quốc Tử Giám, Qúy khách sẽ có thêm thật nhiều hiểu biết về khu di tích gắn liền với thủ đô ngàn năm lịch sử này.