Chùa Trấn Quốc
Hà Nội ngàn năm văn hiến, cái tên đã phản ảnh một Hà Nội mang vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam cổ xưa. Đi qua bao nhiêu tháng năm, Hà Nội vẫn lưu giữ lại những biểu tượng về phong tục và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, có thể kể đến chùa Trấn Quốc, ngôi chùa 1.500 tuổi, được xem như biểu tượng Phật giáo của Việt Nam thời Lý - Trần.
Ngày xưa, chùa Trấn Quốc được xem là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Mọi hoạt động ngự giá cúng lễ vào dịp lễ, Tết được các đời vua Lý, Trần tổ chức ở đây. Chính vì lẽ đó mà các cung điện như Cung Thúy Hoa, Điện Hàm Nguyên được xây dựng nên để phục vụ cho việc vui chơi, nghỉ ngơi của vua.
Dù đã qua bao đợt trùng tu theo từng thời kỳ chuyển mình của đất nước, chùa Trấn Quốc vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo. Tổng thể nhìn từ trên cao, chùa được xếp theo hình chữ Công (I) với 3 ngôi chính: Tiền đường, Nhà thiêu hương và Thượng điện.
Nhà Tiền đường nằm ở phía Tây, đằng sau có Nhà Tam đảo và có hai dãy hành lang nằm hai bên Nhà thiêu hương và Thượng điện. Chùa Trấn Quốc còn có một gác chuông to được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian có mái không diềm nằm ở phía sau Thượng điện và nằm trên trụ sảnh chính. Bên trái Thượng điện là nhà tổ và nhà bia, nơi lưu giữ 14 tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử của chùa, mang giá trị văn hóa lâu đời của Hà Nội.
Kho tàng kỉ vật Phật Giáo
Khi viếng thăm chùa Trấn Quốc Hà Nội, ta như được đi ngược về lịch sử, khám phá kho tàng Phật pháp đồ sộ với nhiều kỷ vật Phật giáo linh thiêng, mang một giá trị lịch sử và văn hóa tín ngưỡng quý giá. Trong đó, không thể không nhắc đến cây bồ đề cao sừng sững tỏa bóng mát ngập ngôi chùa. Cây bồ đề này được chiết xuất từ cây mẹ tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo cách đây 25 thế kỷ và được đích thân Tổng thống Ấn Độ dành tặng riêng cho chùa trong chuyến tham quan thủ đô Hà Nội vào năm 1959.
Ngoài ra, chùa còn sở hữu những pho tượng Phật và Bồ Tát được tạc bằng các loại đá quý có giá trị lớn về văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo ở Thượng điện. Nổi bật nhất có thể kể đến đó là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được làm từ gỗ quý và sơn son thiếp vàng.
Chính vì những điểm đó mà đến tận bây giờ, chùa vẫn giữ lại những nét cổ điển rất đặc trưng trong phong cách và tín ngưỡng Phật giáo của dân tộc ta, thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến viếng thăm, cúng bái và trở thành một điểm đến tâm linh thú vị của thủ đô.
Năm 2016, chùa Trấn Quốc vinh dự được lọt vào danh sách 16 Ngôi chùa đẹp nhất thế giới do tạp chí Daily Mail của Anh bình chọn và được mệnh danh là ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam.
Hiện nay, chùa Trấn Quốc tọa lạc trên con đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, thủ đô Hà Nội và là một điểm nên ghé qua một lần đối với tín đồ Phật giáo. Đi qua bao năm tháng thăng trầm của thời đại, chùa Trấn Quốc như một minh chứng hữu hình cho nét đẹp tín ngưỡng dân tộc, gìn giữ đầy đủ những nét đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Và như một tòa sen khổng lồ nở rộng, chùa Trấn Quốc không quá kiêu sa nhưng vẫn khoác trên mình một vẻ đẹp bình yên đầy hấp dẫn, chắc hẳn sẽ là nơi tham quan không thể bỏ lỡ trong những chuyến du lịch thủ đô.